Kỳ 1: Chuyện ghi ở bệnh viện
Hà Nội một ngày tháng 11 tiết trời trở lạnh, khu điều trị tích cực Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô nằm trên tầng 8 im ắng đến đáng sợ. Từ cửa thang máy đi ra bốn vị tướng quân đội, dẫn đầu là một người đàn ông rất lớn tuổi trong bộ quân phục bạc màu, đôi cầu vai đeo quân hàm trung tướng.
Thủ trưởng của trung tướng
Vừa bước đi, vị trung tướng già dẫn đoàn vừa hỏi cô y tá:
- Cháu cho hỏi ông Việt lão thành cách mạng nằm ở phòng nào ?
- Dạ ông ấy nằm ở phòng 810 ạ, ông là thế nào với ông ấy ạ ?
- Ông là cấp dưới của ông ấy!
Tác giả bài viết cùng người sĩ quan được mệnh danh là "Hùm xám đường số 4".
Người đàn ông lớn tuổi trả lời nhanh gọn dứt khoát. Cô y tá tròn mắt, ngỡ ngàng ngước lên nhìn thật kỹ vị tướng đã chạm 94 tuổi đang thoăn thoắt đi lại phía cửa phòng 810.
... Bên chiếc giường phủ tấm ga trắng toát, một ông lão gầy guộc đang nằm lim dim ngủ.
Vị trung tướng già chậm rãi đi tới, đôi tay trận mạc to bè gân guốc sẫm đồi mồi khẽ đưa ra nắm lấy tay người đang nằm rồi cất giọng gọi:
- Anh Việt ơi, em là lính của anh đến thăm anh đây.
Ông lão suýt soát 100 tuổi đang nằm trên giường bệnh khẽ trở mình, mở đôi mắt già nua mờ đục ra nhìn hồi lâu rồi nói:
- Ai đấy ? Ai đấy ?
Một vị trung tướng khác trẻ hơn đứng bên cạnh trung tướng già vội cắt lời:
- Cháu Nguyễn Mạnh Đẩu ở Lục quân đây ạ. Đây là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Bên này là Thiếu tướng Tạ Quang Chính - con trai Bộ trưởng Tạ Quang Bửu; Bên này nữa là Thiếu tướng Hồ Thủy - con gái anh Hồ Sỹ Ngận.
Trên giường bệnh, ông lão vừa dứt cơn ho, đưa tay ra nắm chặt tay vị trung tướng rồi khẽ mỉm cười. Ông không nói thành lời nhưng đôi môi run run, những tiếng thở cứ dồn dập thành đợt...
Vị trung tướng già tiếp tục nói:
- Anh Đặng Văn Việt ơi, hổ xám đường số 4 ơi, em Quốc Thước, lính của anh đây. Ngày nào anh làm trung đoàn trưởng, em mới còn là trung đội trưởng, thế mà giờ đã trăm tuổi cả rồi anh ơi...
Nói đoạn, ông đưa gói quà nhỏ đã chuẩn bị kỹ từ nhà cho người đang nằm trên giường bệnh. Căn phòng đầy chật nghĩa tình, những bệnh nhân già khác đang nằm đều ngẩng lên dõi theo câu chuyện, mấy cô y tá và anh bác sĩ trẻ ngơ ngẩn nghe...
Bốn vị tướng và một đứng vây quanh giường bệnh. Ông lão nằm trên giường dứt tiếng thở khò khè định nói gì đó mà không được. Ánh mắt ông tươi vui hơn hẳn ngày thường...
Vị trung tướng già cười rạng rỡ, nắm chặt tay người thủ trưởng rồi nói:
- Anh mau khỏe, hôm nào anh về bọn em qua thăm, uống rượu, kể chuyện Đường số 4, chuyện kéo cờ ở Kỳ đài Huế... Rồi anh còn đi đánh tenis, đi xe máy, khiêu vũ nữa chứ...
Ông lão nằm trên giường bệnh gật đầu nhẹ, khẽ mỉm cười.
Cô y tá trẻ quay sang hỏi tôi:
- Anh ơi, ông cụ chắc phải là thượng tướng, đại tướng đấy nhỉ?
Tôi nhìn cô một lát rồi trả lời:
- Không em ạ. Ông ấy cả đời chỉ đeo quân hàm trung tá. Nhưng ông ấy là một huyền thoại!
Cô y tá ngơ ngác hồi lâu rồi bất chợt đưa tay lên lau vội giọt nước mắt vừa lăn xuống má...
“Hổ xám” giữa đời thường
Mùa hè 7 năm trước, một người hàng xóm gần nhà tôi là Đại tá Nguyễn Ngọc Diễn 85 tuổi, thành viên Ban Liên lạc của Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng (thuộc Sư đoàn 316,Quân khu 2) đã mời tôi đến dự cuộc gặp mặt truyền thống của đơn vị.
Ông Diễn nói: “Cháu cứ đến đi, cháu sẽ gặp nhiều cựu chiến binh lừng lẫy, nhiều tướng lĩnh oai hùng và cháu sẽ gặp một người rất đặc biệt”.
… Sáng hôm ấy trời mưa rả rích, tại hội trường Nhà văn hóa quận Cầu Giấy, tôi khá bất ngờ khi thấy rất nhiều cựu chiến binh đại tá và cả cấp tướng chủ động len qua các hàng ghế để tiến đến chào, bắt tay hỏi han một trung tá…
Đến phần trao kỷ niệm chương, mừng thọ các cựu chiến binh của Trung đoàn, tôi lại thấy “trung tá già” lên gắn hoa cho các cựu chiến binh cấp bậc cao hơn rất nhiều.
Người đầu tiên tôi nhận ra trong buổi gặp mặt đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu, có lẽ vì ông quá nổi tiếng qua sách vở, báo đài. Nhưng khi nói chuyện, Anh hùng La Văn Cầu lại kể cho tôi nghe về “trung tá già” – Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174, người được thực dân Pháp khiếp sợ gọi tên “Hùm xám đường số 4”.
Một trong những Trung đoàn trưởng bộ binh chủ lực đầu tiên - Đặng Văn Việt.
Đặng Văn Việt sinh tháng 3-1920, là con của quan Tham tri Đặng Văn Hướng dưới triều đình Bảo Đại, Tổng đốc Nghệ An trong Chính phủ Trần Trọng Kim và Bộ trưởng Không Bộ phụ trách Thanh – Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Liên hiệp Hồ Chí Minh.
Thuở thanh niên, Đặng Văn Việt là sinh viên ngành Đại học Y Đông Dương danh giá, một tay chơi tenis, đua xe đạp, đá bóng có tiếng từ những năm 1940… Đẹp trai, tài hoa và con nhà quyền thế nhưng ông quyết định bỏ lại tất cả để đi theo cách mạng.
Ngày 21-8-1945, ở tuổi 25, chàng thanh niên Đặng Văn Việt cùng với người bạn Nguyễn Thế Lương (sau này là Thiếu tướng Cao Pha) nhận nhiệm vụ treo cờ cách mạng trên Kỳ đài Ngọ Môn Huế trước 120 họng súng của triều đình nhà Nguyễn.
Năm 1947, ở tuổi 27 tuổi, Đặng Văn Việt là một trong 2 trung đoàn trưởng bộ binh chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam – Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng (1947) cùng với Lê Trọng Tấn, Trung đoàn trưởng 209 Sông Lô - người sau này lên Đại tướng.
Ông là người chỉ huy lừng lẫy tham gia các trận đánh Bông Lau – Lũng Phầy (1949), trận Đông Khê - Biên giới 1950, trận Bình Liêu, trận Mộc Châu 1952...
Trung đoàn trưởng đi qua trăm trận đánh, bắt sống nhiều chỉ huy Pháp, mang trên mình 5 vết thương và oai hùng đến nỗi thực dân Pháp gọi ông là Hùm xám đường số 4…
Trung tá Đặng Văn Việt cùng cựu chiến binh Trung đoàn 174 đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Mùa đông năm 1952, ở 33 tuổi ông chỉ huy Trung đoàn 174 công đồn Châu Mộc, mở đường vào Tây Bắc… Trước đó, từ năm 1946, ông Hoàng Đạo Thúy Hiệu trưởng Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn đã đưa Đặng Văn Việt về làm giảng viên khóa 1.
Năm 1960, ông chuyển ngành, rồi làm Phó cục trưởng, Cục trưởng Cục Xây dựng cơ bản, Cục trưởng Cục Thủy sản…
Nhiều năm cuối đời, ông ở trong 1 căn phòng tập thể chưa đầy 32m2 được ngăn thành 2 nửa cho vợ chồng người con trai ở một bên.
Sau buổi gặp hôm ấy, tôi thường đến căn phòng tập thể 401 cũ kỹ, ẩm thấp ở Ngõ 7 Hòa Bình, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng để thăm và “chơi” với ông Việt. Người “bạn vong niên” U100 đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện lịch sử hào hùng và cả những trang đời rất đẹp.