Huyền thoại cả đời chỉ đeo quân hàm Trung tá: Một đời kiêu hùng và nỗi đau như cứa vào tim

19/09/2019 10:28
"Cuộc đời tôi chinh chiến 15 năm, đánh hơn trăm trận, bị thương 5 lần, 30 lần chết hụt..., bản thân gia đình cũng điêu đứng oan khiên... nhưng vẫn rất đau vì mất người yêu."

Nhân kiệt

Quãng thời gian tôi biết và "giao lưu" với Đặng Văn Việt, huyền thoại cả đời chỉ đeo quân hàm trung tá, chưa tròn chục năm, không phải dài nhưng cũng cảm nhận được phần nào con người ông. Trí tuệ, bản lĩnh hay tài năng quân sự thì đã được khách quan khẳng định. Nhưng tinh thần, ý chí của ông ấy mới là điều tôi thực sự kính mộ. Tôi thích gọi ông là một bậc Nhân Kiệt.

Tình yêu có lý lẽ riêng…

Có một lần mùa hè nóng bức, tôi mời ông Việt ra quán bia hơi ngay đầu ngõ 7 Hòa Bình để nhâm nhi cốc bia tâm sự. Tôi hỏi ông về chuyện tình yêu hồi trẻ, ông thoáng chút buồn rồi nói một câu danh ngôn tiếng Pháp làm tôi giật mình: "Le coeur a ses raisons que la raison ignore" (Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết được).

Huyền thoại cả đời chỉ đeo quân hàm Trung tá: Một đời kiêu hùng và nỗi đau như cứa vào tim - Ảnh 1.

"Hùm xám" Đặng Văn Việt đi uống bia kể chuyện... tình yêu.

Thế rồi ông kể lại sự kiện ngay sau cách mạng tháng 8, ông mất đi người vừa là vợ, vừa là mối tình đầu:

"… Ngày ấy tôi học Trường Quốc học Huế, tuổi trẻ trung, sung sức, đẹp trai, con quan, lại học giỏi ... Nói thật tôi đi tán gái đâu là đổ ở đó. Nhưng tôi theo cách mạng, tôi nghĩ một lòng phải giải phóng dân tộc nên không tính chuyện yêu đương ủy mị, gạt bỏ bao nhiêu thư tình và những lời ong bướm...

Năm tháng đó, có một người con gái xứ Huế là bạn của em gái tôi, cô ấy học Trường nữ sinh Đồng Khánh. Chúng tôi lớn lên bên nhau, ít khi nói chuyện nhưng tâm hồn và trái tim in hằn hình bóng nhau. Tôi yêu lúc nào không hay. Mối tình đầu đẹp đẽ và bao hoài vọng.

Tôi thi tú tài rồi ra Hà Nội học Đại học Y Đông Dương, chúng tôi vẫn thư từ trong mấy năm trời cho tới năm 1945 tôi trở lại Huế. Tình cảm đôi lứa ngày càng sâu nặng thì cũng là lúc cách mạng bùng lên, tôi vào bộ đội, ra chiến trường. Cô ấy ở nhà, xinh đẹp tài năng, nhiều người theo đuổi. Ba tôi sợ không giữ được cô ấy nên gọi tôi về cưới.

Khi đó ba cô ấy là quan Thượng thư triều đình (tương đương Bộ trưởng), ba tôi là Tham tri (tương đương Thứ trưởng), hai gia đình đồng ý vun vén. Tôi từ chiến trường trở về làm lễ cưới trang trọng và hân hoan... Tôi còn chưa kịp "động phòng" thì 3 ngày sau lên đường đi chiến đấu, bỏ cô ấy ở nhà.

Tôi trở thành trung đoàn trưởng bộ binh chủ lực, chỉ huy hơn 5.000 quân ở biên giới, nhiệm vụ cách mạng nặng nề, tôi không còn nghĩ tới điều gì... Cô ấy ở nhà đi theo sự lựa chọn khác. Tôi mất cô ấy là điều không tránh khỏi. Nhanh chóng, bất ngờ và bặt vô âm tín...

Mối tình đầu như vết dao cứa vào tim, như xé lòng xé ruột ra, đến bây giờ cũng hơn 70 năm rồi mà sao tôi không quên được. Cuộc đời tôi chinh chiến 15 năm, đánh hơn trăm trận, bị thương 5 lần, 30 lần chết hụt, chứng kiến bao cảnh máu đổ đầu rơi, bản thân gia đình cũng điêu đứng oan khiên... nhưng vẫn rất đau vì mất người yêu.

Tình yêu là thứ không lý giải được, nay tôi trăm tuổi, nói chuyện tình yêu thì nghe phi lý, nhưng thực sự có những nỗi đau đi theo trọn đời, thậm chí theo sang cả kiếp khác..."

Nói đoạn đến đây, "Hùm xám" bỗng ngưng lại, nâng cốc bia lên dốc một hơi cạn đáy, đôi mắt ông thoáng ướt nhìn ra xa con đường thành phố đầy xe cộ ồn ào.

Đừng làm "kẻ ghét đời"

 

7 tháng nay, ông Việt cùng vợ chồng người con trai chuyển sang thuê nhà tại khu chung cư bên ngõ 6 Hòa Bình để có thang máy cho ông tiện đi lại. Đến cổng khu, chỉ cần hỏi ông già trăm tuổi hay chạy chiếc xe máy ba bánh là ai cũng chỉ đến tận phòng.

Có lẽ sức sống kỳ diệu của con người chỉ chưa đầy 2 tháng nữa là bước sang tuổi 100 này có được một phần không nhỏ chính là từ cái tâm trong sáng, nghị lực tinh thần vô biên cùng với suy nghĩ "mình chẳng bao giờ già" của ông.

Sau khi về hưu, cuộc sống ông có lúc lao đao phải đạp xe đưa bánh kẹo kiếm sống. Tuy nhiên, với tính lạc quan và cộng với nền tảng giáo dục của gia đình, ông có tinh thần học tập và phát triển kiến thức rất tốt.

Ông nói thành thạo tiếng Pháp, ngoài 70 tuổi vẫn đi học để sử dụng được tiếng Anh... Thời gian công tác trong ngành xây dựng, ông còn học thêm bằng kỹ sư. Từ năm 1985, ông bắt đầu bước vào sự nghiệp văn chương.

Do từng là một trong những sĩ quan cao cấp thời kỳ đầu và từng có thời gian gắn bó với chiến trường đường số 4, ông đã viết và dịch nhiều hồi ký liên quan đến con đường lịch sử này.

Đặc biệt, với hồi ký "Đường số 4 rực lửa", ông đã được tặng giải thưởng cao nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam vào năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa, và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu.

Huyền thoại cả đời chỉ đeo quân hàm Trung tá: Một đời kiêu hùng và nỗi đau như cứa vào tim - Ảnh 2.

Ông Đặng Văn Việt bên chiếc xe máy thân thuộc.

Chỉ riêng việc "người lính già" ở tuổi U100 vẫn say mê đọc, viết sách bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, rồi hăng hái đi khiêu vũ, phóng xe máy vi vu phố phường và vẫn yêu thương hết lòng với cuộc đời đã đủ thấy sự phi thường của con người ấy.

Nghĩ về cuộc đời mình, ông Đặng Văn Việt có lần chia sẻ, "đi làm cách mạng là tôi đã chọn, vui có buồn có nhưng vui nhiều hơn buồn; được có, mất có nhưng được nhiều hơn mất.

Tôi đã sống một cuộc đời độc lập tự do, không lệ thuộc ai, không nô lệ cho những phù phiếm ham muốn của người đời. Tiền tài, chức tước, sao biển, hưởng thụ, khen thưởng… không làm tôi lo lắng suy nghĩ, vẫn lạc quan vui với đời. Tôi giữ được sức khỏe tốt, nhờ trời Phật, bố mẹ, bản thân...

Nay gần trăm tuổi, tôi vẫn ham làm, ham vui đến nỗi có bác sĩ nói, không biết bao giờ ông Việt sẽ thoát khỏi cuộc đời này bằng lối nào... Tôi đã đạt được ước vọng lớn nhất của người đời là thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ, được thấy Đất nước độc lập, tự do, thống nhất, nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc..

Trên mọi lĩnh vực, công việc được giao tôi đều làm theo lời Bác dặn: Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng."

Huyền thoại cả đời chỉ đeo quân hàm Trung tá: Một đời kiêu hùng và nỗi đau như cứa vào tim - Ảnh 3.

Vận động viên già Đặng Văn Việt

Hơn 80 năm trước, trong kỳ thi Tú tài môn Văn học, Đặng Văn Việt đã viết bài luận với đề tài là vở kịch Le Misanthrope (Kẻ ghét đời) của Molière.

Khi ấy, ông đã viết một lá thư khuyên Misanthrope khi bị Célimène bỏ rơi rằng: Trên đời có hàng trăm, hàng nghìn phụ nữ… Tình yêu không phải lý do duy nhất để sống mà còn có văn hóa, nghệ thuật, văn học, hội họa, thể thao, công việc…

Thầy giáo người Pháp đã chấm cho Việt 16/20 điểm, cao thứ 2 toàn Đông Dương năm đó.

... Hơn 80 năm sau, cuộc đời Đặng Văn Việt kiêu hùng và đầy oan khiên, ngang trái nhưng ông chưa bao giờ là "Kẻ ghét đời" cả. Bởi ngay cả khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn rất tin và yêu tha thiết cuộc đời này.

Nguồn: https://soha.vn/huyen-thoai-ca-doi-chi-deo-quan-ham-trung-ta-mot-doi-kieu-hung-va-noi-dau-theo-sang-ca-kiep-sau-20181121110004951.htm



Bài viết khác
Bottom 1
COPYRIGHTS © 2019 BY PALF.VN.
DESIGNED BY VICOGROUP.VN