Bạn bè khắp năm châu khi nói đến Việt Nam đều nhắc đến hai chữ “Anh hùng”.
Môt số danh tướng trên thế giới qua nhiều thời đại lịch sử đã trực tiếp hoặc gián tiếp đối đầu với quân đội và dân tộc Việt từ Hán, Đường, Tống , Nguyên, Minh, Thanh đến Pháp, Nhật, Mỹ đều đánh giá quân đội và nhân dân ta có tinh thần chiến đấu bất khuất, có nghệ thuật quân sự độc đáo, khiến bao kẻ thù xâm lược không sao thắng được.
Tướng Pháp Sa - Lan đã nói: “Từ sau quân đội Đức quốc xã, quận đội Pháp chưa bao giờ gặp một đối thủ mạnh như quân đội Việt Nam ...”.
Mác Namara - Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã từng ước ao dưới tay mình: “Có những người lính dũng cảm tuyệt vời như những du kích kháng chiến Việt Nam ...”.
Quân Mông Cổ (thế kỷ XIII) từng bách chiến bách thắng, đã giày xéo lên một nửa lục địa Á - Âu, đã phải giật mình than thở: “Nghe tiếng trống đồng mà rợn tóc gáy”. Tiếng trống đồng trên đất Đại Việt đã vang vọng mấy ngàn năm !.
Qua hằng ngàn năm dựng nước, giữ nước, dân tộc ta đã tổng kết, xây dựng cho mình một nghệ thuật chiến tranh độc đáo - Đó là một bí quyết mà các đối thủ của quân đội và dân tộc Việt Nam muốn tìm hiểu, khám phá. Đó là vấn đề mà bạn bè khắp năm châu muốn tìm ra câu trả lời: Vì sao “Việt Nam không thể bị đánh bại”!
Học giả Nguyễn Khắc Viện - nguyên Giám đốc nhà xuất bản Ngoại Văn (nay là nhà xuất bản Thế giới) trong gần ¼ thế kỷ làm việc, tiếp xúc với các học giả trong và ngoài nước, tất cả đều thống nhất ý kiến: “Việt Nam là một nước luôn bị xâm lược và đã anh dũng chống xâm lược qua hằng ngàn năm. Nhưng cho đến nay chưa có một cuốn sách nào tóm lược hoàn cảnh lịch sử chống ngoại xâm và những bài học về chống xâm lược đó”. Học giả đã tìm đến người lính già Đặng Văn Việt để gửi gắm niềm tâm sự và đề nghị người lính già chủ trì xây dựng một cuốn sách khả dĩ có thể đáp ứng được mong muốn trên.
Năm 1993, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Phan Huy Lê hoan nghênh ý tưởng của Học giả Nguyễn Khắc Viện và cho ý kiến như một sự chỉ đạo, khuyến khích tôi vững tâm nhận sứ mạng nặng nề là chủ trì một công trình văn hóa - lịch sử đất nước với tầm khái quát cao và trải dài theo mấy thiên niên kỷ.
Ở tập bản thảo đầu tiên, tôi lấy cái tên khiêm tốn: “Người lính già kể chuyện dân tộc Việt Nam chống xâm lược”; Nay tiếp thu ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, sách được xuất bản dưới tiêu đề: “VIỆT NAM - Bản hùng ca giữ nước”.
Cuộc trường chinh trên mặt trận văn hóa - lịch sử này bắt đầu từ tháng 1 năm 1993 cho đến nay (nguyên tiêu 2016) đã qua 23 năm, một chặng đường dài đầy gian nan thử thách. Sách viết đi viết lại 7 lần, đã qua 4 cuộc hội thảo khoa học từ Bắc chí Nam để xin ý kiến bổ sung và sửa chữa.
Cuốn sách được sự cổ vũ, trực tiếp đóng góp nhiều công sức và trí tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của nhiều học giả, giáo sư, tướng sỹ, như: Giáo sư Trần Văn Giầu, Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo, các Giáo sư Phan Huy Lê, Phan Ngọc, Đinh Xuân Lâm, NGND Nguyễn Lân, Thượng tướng Trần Văn Trà, Học giả Trần Bạch Đằng, Đại sứ Vũ Song, các Trung tướng Đỗ Trình, Phan Hàm, các Thiếu tướng Cao Pha, Đoàn Huyên, Nguyễn Sỹ Quốc, Tô Ký, nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Lê Văn Giạng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước Hoàng Đình Phu và nhiều nhà khoa học có danh tiếng khác.
Trước khi xuất bản, Tiến sỹ sử học Đinh Công Vỹ và Nhà báo - Luật gia Bùi Phúc Hải đã tiến hành bổ sung, sửa chữa, hoàn thiện bản thảo lần cuối. Nội dung cuốn “VIỆT NAM - Bản hùng ca giữ nước” gồm các phần:
Phần I. Buổi đầu dựng nước.
Phần II. Những cuộc kháng chiến chống xâm lược từ thời dựng nước đến thời đại ngày nay.
Phần III. Những bài học lịch sử của Việt Nam về kháng chiến chống quân xâm lược.
Phụ lục:
A . Một số danh nhân, danh tướng tiêu biểu trong lịch sử chống xâm lược của Việt Nam.
B . Một số bài Hịch lưu truyền và những áng văn hay.
Mong muốn “VIỆT NAM - Bản hùng ca giữ nước” là cuốn sách giới thiệu có hệ thống những vấn đề cốt yếu, mang tính phổ thông được nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ quan tâm, đón đọc để hiểu thêm về lịch sử hào hùng hằng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, giữ nước của dân tộc ta.
Sự thành công của cuốn sách nhờ vào sự nhiệt tình đóng góp trí tuệ và công sức của rất nhiều cộng tác viên là những nhà khoa học có uy tín. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi giúp tác giả vươn lên, vượt qua muôn vàn khó khăn để hoàn thành sứ mệnh của mình.
Cho phép tôi được gửi lời cảm ơn chân thành tới các bạn bè thường xuyên trao đổi các nội dung viết sách, như: Các Thiếu tướng Hồ Đệ, Dũng Chi, các Đại tá Phạm Chí Nhân, Quế Dương, Bội Dong, Sử gia Hồ Thiết, Nhà văn Nghiêm Đa Văn, ... ; Gửi lời cảm ơn Nhà báo Hoàng Văn - người đã cung cấp nhiều tư liệu quý và dành nhiều thời gian cùng tác giả bổ sung chỉnh lý cho cuốn sách này.
Sự thành công của công trình còn là kết quả của sự giúp đỡ về tinh thần và tài chính với bao chi phí trong quá trình xây dựng cuốn sách, đó là những cơ quan, tập thể, cá nhân như: Giám đốc Cảng Sài Gòn, Giám đốc Tổng giám đốc công ty Cao su Dầu Tiếng, Giám đốc nhà máy Đường Biên Hòa, Giám đốc công ty Xăng dầu Sài Gòn, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Giám đốc nhà Xuất bản Thế giới Mai Lý Quảng và cán bộ trợ lý của ông, Bộ trưởng Trần Hoàn, GS.TS Đặng Thị Tăm Wei (trường Đại học Ilinois, Mỹ), GS.TS Đặng Văn Kỳ (Viện trưởng Viện Toán Lý trường Đại học Poly Technique, Pháp), Bác sỹ Nguyễn Trọng Kỳ (Viện Hàn lâm châm cứu của Pháp - Anh - Mỹ), ...; Tài trợ một phần quan trọng kinh phí in ấn của TS Trần Bình An (nguyên cán bộ khoa học Viện nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt). Qua đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả các cơ quan, tập thể, cá nhân đã có những giúp đỡ vô cùng quý báu.
Và trong sâu thẳm của lòng mình, tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người đã quan tâm, cho ý kiến chỉ đạo từ khi khởi thảo cuốn sách và anh linh Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện - Người đầu tiên đề xuất sáng kiến xây dựng một công trình văn hóa - một bức tranh toàn cảnh về lịch sử chống xâm lăng giữ nước của dân tộc Việt Nam từ khởi thủy đến nay.
Cuối cùng, chúng tôi mong các bạn đọc trong và ngoài nước đóng góp ý kiến, chỉ ra những sai sót để bổ khuyết cho cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau.
Xin trân trọng cám ơn !
Hà Nội, Nguyên tiêu Bính Thân, 2016
Đặng Văn Việt.